Sài Gòn ơi

Ngày trước khi lên Sài Gòn, mình vẫn thường nghe nói Sài Gòn nhiều trộm cướp lắm, điện thoại đang cầm trên tay thì bị giật, xe máy vừa dừng trước tiệm bị bẻ khóa, túi xách bị rách, rồi tông xe chẳng ai quan tâm… Mình nơm nớp lo sợ chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, chỉ sợ ứng nghiệm những điều đã được nghe trước.

Nhưng, lên Sài Gòn, sống giữa Sài Gòn, tiếp xúc với Sài Gòn mới hiểu được người Sài Gòn như thế nào. Những ngã tư đường vẫn hay có thùng nước miễn phí. Những góc phố đông người vẫn có tủ bánh mì từ thiện. Những con đường quận 3, quận 5 có những cô bán hàng dễ mến, vẫn thường bớt đi vài đồng. Rồi có lần vội lên xe buýt, không có tiền lẻ mua vé, chú ngồi bên cạnh xuề xòa mua cho. 

Sài Gòn cứ như thế, từng chút một, xóa đi những định kiến về một vùng đất hỗn tạp. Sài Gòn đông đúc, nhưng là vì cưu mang những kẻ tha phương cầu thực đã phải bỏ quê hương để tìm đường mưu sinh. Do đó, người Sài Gòn rồng phượng lẫn rắn rết, nhưng hầu như những người chúng tôi gặp, đều hào sảng, dễ mến, đều mang theo một nét rất riêng mà không thành phố nào có được. 

Người ta bảo, Sài Gòn đang thay đổi. Những câu cầu mới, những chung cư cao tầng cứ thế thi nhau mọc lên. Rồi hàng cây xanh ở quận 5 bị cưa hết, nhường chỗ cho xe cộ lưu động. Nhưng Sài Gòn không mất đi, những tiếng rao của bà bán xôi sáng, tiếng kéo cửa cọt kẹt trong ngôi nhà đã cũ, tiếng hát của những xe kẹo kéo lưu động, và cả tiếng lô tô tưởng chừng đã mai một, nay lần nữa xuất hiện ở kinh kì. 

Càng đi khắp những cung đường Sài Gòn, tôi lại càng thấm thía hơn tại sao người ta lại yêu Sài Gòn đến như vậy. Bởi từ lâu, Sài Gòn không chỉ là nơi cưu mang, nơi lập nghiệp, Sài Gòn đã trở thành nhà, cho cả những ai sinh ra ở Sài Gòn, và tìm đến Sài Gòn…

Sài Gòn đẹp lắm.

Sài Gòn ơi…