Nhìn trăng nhớ quê

Trời nhá nhem tối, chúng tôi nghỉ chân tại quán dì 9, nằm bên hông chợ Tân Mỹ. Chợ đã vãn từ lâu, người mua cũng thưa dần. Dì 9 ngồi lặt mấy bó rau, mặc cho ở ngoài mưa lất phất. Chúng tôi ngồi xuống bàn ăn duy nhất của tiệm, chờ dì mang hai tô phở vịt lên. Chưa được ăn, mà đã nghe mùi thơm khó cưỡng.

Dì 9 tuổi đã cao, nhưng còn minh mẫn lắm. Dì có khuôn mặt phúc hậu, lại hay cười, dì ngồi kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa của dì, không phải hỏi gì đáp nấy, mà dì hào hứng nhớ lại và nói cho hai đứa tôi nghe về một thời tuổi thơ cơ cực. Dì không phải người gốc Sài Gòn. Dì từ Tiền Giang lên thành phố học, rồi vô tình, dì sống và gắn bó với mảnh đất này cả nửa đời người. Thoạt đầu, nhìn cách dì nấu phở, chúng tôi cứ nghĩ dì là người lao động đã vốn quen bươn chải. Đâu ai ngờ, trước khi gắn bó với chợ Tân Mỹ, dì là cô giáo của trường Sư phạm: “Lúc trước, dì dạy ở trường, mấy cô giáo bây giờ là học trò của dì hết. Chiều chiều tan tầm, chúng nó lại ra đây ủng hộ dì, thương lắm. Tụi nó nhớ dì, chớ dì sao nhớ hết tụi nó. Nghỉ hưu cũng năm năm rồi còn gì, tới tay cũng quên dần mùi phấn…” 

Một hồi, dì kể chúng tôi nghe về gia đình của dì. “Ba dì tuy là dân quê, nhưng ông suy nghĩ tiến bộ lắm. Cả nhà tám đứa con, ba trai năm gái đều được đi học. Ổng bắt mấy anh em ngày đi học, tối phụ việc đồng áng. Hè về lo làm kiếm tiền đi học. Sau ba anh trai đều làm tướng, năm chị em làm giáo viên hết. Cả làng có mỗi nhà dì được vậy.” Chúng tôi hỏi dì sao không về quê ở. Dì hơi ngậm ngùi. Nhớ quê, nhưng chẳng thể nào về được. Dì có mỗi một cô con gái – chị Vân, bán gỏi cuốn bên cạnh quán phở của dì. Dì mà về, không ai phụ chị lo hàng quán, không ai phụ chị lo cho hai đứa cháu gái còn đang tuổi ăn tuổi lớn cả…

Vì vậy, dì 9 tiếp tục ở lại Sài Gòn, vẫn thức dậy mỗi chín giờ sáng để đi chợ, sắm sửa chuẩn bị cho chiều buôn bán, rồi ngồi mãi ở đó đến tận nửa đêm. “Ở thành phố không có trăng, nhưng mà đâu cần nhìn trăng mới nhớ quê nhỉ?”