Miền Tây lỡ "thương" Sài Gòn

Nói là thương cũng hổng đúng cho lắm, vào Sài Gòn không phải là tự nguyện. Chú Minh rời quê hàng chục năm vào thành phố tấp nập, bon chen tìm kế sinh nhai. Chú gắn bó với nghề xe ôm như một cái duyên, người ta kêu chạy đi đâu thì chú chở người ta đến đó. Nhưng rồi nghề xe ôm cũng mạt dần khi những ứng dụng gọi xe công nghệ xuất hiện, chú cũng buộc mình học cách dùng GoViet để bám trụ Sài Gòn. Chạy xe ôm, không có tính thuế, tiền lời nhiều nhưng khách kêu thì ít, mà ngày nào may mắn lắm mới được nhiều cuốc xe. Sau này, chạy cho GoViet, tiền lời cho mỗi cuốc ít hơn, nhưng mà lượng khách đặt xe lại nhiều lên, chú xuề xòa kêu: “Cũng huề…”

“Chạy xe ôm cực lắm, nhưng phải chịu thôi con ạ. Chú chạy từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, nắng mưa cũng vậy, không khác gì nhiều. Nhưng mà chạy xe ôm buồn lắm, cả tuần họa hoằn lắm mới có một bữa cả nhà ăn chung. Mỗi lần về, mọi người đều đã ăn xong hết. Một mình chú ăn cơm nguội canh lạnh buồn lắm. Nhưng biết làm sao giờ, cái công việc của mình nó không cho mình làm cái điều đó. Nó không cho mình có nhiều thời gian vui vẻ với vợ con.” Tôi hỏi sao chú không đổi nghề. Chú chỉ chậc kệ, chạy xe ôm lâu quá, giờ bỏ cũng chẳng biết làm gì.

Dù chạy xe vất vả, chú vẫn yêu công việc của mình, bởi nó là nghề mưu sinh cho cả gia đình 6 miệng ăn. Vợ chồng chú với bốn đứa con trông chờ vào chiếc xe máy già cỗi, và những cuốc đặt xe ngày giúp chú kiếm ba bốn trăm nghìn lo chuyện cái ăn, cái mặc. “Nhiều người bảo nghề tài xế xấu hổ lắm, chú chẳng thấy vậy. Mình tự nuôi sống bản thân, chăm lo gia đình được mà không nhờ cậy ai, là đáng được tôn trọng rồi.”

Tôi hỏi tại sao chú không chuyển về quê làm việc, chú nói “Ở quê mình, có anh em họ hàng, rồi cái gì nó cũng rẻ con ạ. Ăn ngon, ăn sạch, thích chứ. Nhưng mà cái quan trọng là ở quê thì mình không biết làm gì, không có việc thì sẽ không có tiền để mà sống được. Ở quê rỗi quá không có làm gì, là lại nhậu tối ngày thôi con. Còn trẻ lông bông mãi cũng được, nhưng chú còn vợ, còn con, chú không thể để gia đình nay đây mai đó theo mình được.”

Không phải là người Sài Gòn, và thực sự đến thành phố này được hơn 3 tháng, tôi chia sẻ với chú về nỗi sợ xa nhà và nỗi “ngợp” thành phố của tôi. Chú dặn tôi ở thành phố, cái gì nó cũng xô bồ, lắm tệ nạn. “Con tránh xa cái tụi mất dạy ra con ạ. Chứ nó rủ rê mình, mình phạm sai lầm lúc nào cũng không hay. Nghiện ngập, hút chích, không chỉ khổ mình mà còn khổ cả bố mẹ mình con ạ.”

12 cây số từ quận 1 về quận 7 cũng là quãng đường tôi hiểu hơn về chú. Những bác tài xế, dù là xe ôm truyền thống, hay xe ôm công nghệ cũng có những câu chuyện của riêng mình. Những câu chuyện ấy có thể khiến chúng ta bất ngờ, như cách chú Minh đã trở thành người bạn, người thầy, người chú của tôi vậy.