Được dịp đi chợ xa nhà, tôi bắt gặp gánh đu đủ của dì Hạnh ở chợ Phạm Thế Hiển (Quận 8.) Gánh hàng nho nhỏ ở đầu cổng chợ, không có gì ngoài đu đủ và đá bào, mà khách đến vào ra liên tục. Tôi đến ngồi ăn khi đu đủ đã vơi đi gần hết, quán lúc này cũng thưa thớt dần, dì Hạnh đang chuẩn bị dọn hàng ra về.
“Dì bán từ 6 giờ sáng đến trưa thôi con. Dì giờ cũng không có khó khăn như xưa nữa. Hai đứa con gái dì cũng đủ đầy. Bây giờ, gánh đu đủ này tiếp tục cũng để dì làm từ thiện, không còn nuôi ai nữa hết.” Dì không muốn chỉ quanh quẩn trong nhà, cuộc sống của dì đã gắn bó với chợ Phạm Thế Hiển hơn nửa đời người, nghỉ thì buồn, thì nhớ, nên dì lại bán. “Khách của dì toàn là khách ruột không hà. Có người ăn mười mấy năm rồi, có chuyển đi đâu mà về lại cũng ghé đây ăn dì. Quý lắm, mình bán mà người ta vẫn nhớ mình là trời phù hộ.”
Dì Hạnh bán rẻ, nhưng lúc nào cũng đặt chữ tâm lên đầu. Mỗi lần khách đến mua, dì đều rửa tay thật sạch rồi mới cầm trái đu đủ, nhận tiền xong cũng vậy. “Mình làm ăn phải uy tín, người ta mới tin tưởng mà ủng hộ dài lâu. Có vậy dì mới bán được gần năm chục năm, nuôi hai đứa con ăn no mặc ấm.”
Chén đu đủ vừa hết cũng là lúc dì Hạnh dọn hàng ra về. Bóng lưng thập thững của dì khuất dần nhưng tôi thì vẫn luôn nhớ mãi câu chuyện của dì – câu chuyện không chỉ của một mà còn là của rất nhiều người Sài Gòn, vẫn luôn bán buôn thật thà, dễ mến, niềm nở hàng chục năm qua. Tôi tự hỏi không biết mình còn có thể gặp những người như dì Hạnh ở các phường, các quận hay không nhưng, bằng một linh cảm nào đó, tôi biết Sài Gòn vẫn còn đó những con người như vậy đang vẫy gọi tôi.