Hơn 20 năm rong ruổi trên những con phố lớn, sạp hàng của cô Thu đã đi từ nhà hát thành phố, đến phố đi bộ, Sài Gòn Square, và giờ nép mình bên ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trở thành một chốn dừng chân của lớp trẻ mỗi khi trống trường vừa tan…
Dù đã hơn lục tuần, ngày nào cũng vậy, bắt đầu từ một giờ trưa, hai vợ chồng cô Thu lại sửa soạn sạp hàng nhỏ. Nói là sạp hàng, nhưng thực chất cũng chỉ có một chiếc kệ nhỏ, đựng mấy chai nước ngọt, một ít đồ pha chế… Ấy vậy mà sạp hàng đó đã níu chân không biết bao du khách từ phương xa. “Cô bán cho nhiều người nước ngoài lắm. Nước nào cũng có hết. Tây nè, Tàu nè, Hàn nè, Nhật nè, mà cô chú làm gì biết mấy thứ tiếng đó, chỉ biết chỉ vào cái menu cho người ta nhìn rồi gọi, vậy mà họ uống xong hôm sau lại đến, mãi cho đến khi về nước thì thôi. Cô bán cho khách nước ngoài cũng như bán cho khách Việt, không có tăng giá gấp ba, gấp năm, menu ghi sao, cô bán vậy. Có mấy người Việt kiều về, có lần họ chụp hình cô với cái sạp nước. Rồi năm sau, họ quay lại, cầm bức hình tìm cô…” Một chút ngập ngừng, cô Thu không giấu được niềm tự hào khi tâm sự với chúng tôi.
Những vị khách khác đi dần, còn lại vợ chồng cô và chúng tôi. Có lẽ đang rảnh tay, cô vừa rót cho chúng tôi thêm mấy ly trà đá, vừa kể: “Lúc trước, cô bán ở bên Quận 7 đặng gần nhà, đỡ phải đi xa. Nhưng mà cô ở bên đó, ai cũng quen, mấy chú trên phường thương cô tuổi già sức yếu, đâu có bắt cô đâu. Người ta tưởng cô quen biết, còn lại năn nỉ “cô Thu ơi, giúp con với…” Mấy lần như vậy, cô thấy ngại, nên chuyển ra đây bán, xa hơn một chút, nhưng đỡ khó xử cho mọi người.” Nhấp ngụm trà, cô kể tiếp: “Nhiều người tưởng cô bán hàng rong, không biết luật pháp gì. Nhưng sao mà không biết được con, bán mấy mươi năm, rồi trước đó cô cũng học luật, cũng làm thư kí. Bán hàng rong vậy, vừa gây mất mĩ quan đô thị, vừa lấn chiếm lề đường… Mỗi lần mấy chú bắt, cô đều đóng phạt. Mình làm sai, mình chịu, chẳng xin chẳng nhờ gì cả. Chỉ là người ta thấy thương hai ông bà già cả, có mỗi cái sạp hàng làm vốn nuôi thân nên trả đồ lại, mới bán tiếp được hôm nay. Giá mà cô giàu thì hay biết mấy, chẳng phải như bây giờ, biết làm sai mà đành bất lực, chuyện mưu sinh mà…”
Ngồi hàn huyên với cô thêm chút nữa, chúng tôi xin cô cho chụp một tấm, hứa sẽ lần theo tấm hình tìm cô. Cô Thu ngồi trên lề đường, giữa muôn tiếng khèn xe ồn ã, nở một nụ cười thật tươi với chúng tôi.