Đời chú Tư

Previous
Next

“Chú sống ngày nào là gia đình chú sống ngày đó con ạ …”

Chú Tư gác cây micro khi chúng tôi đến gian hàng của mình, chỉ là một chiếc xe máy cũ với chiếc giỏ chứa đủ thứ bánh kẹo, cùng một tấm biển ai đọc vào cũng không khỏi xót xa. Chú đã đi qua nửa đời người, nửa đời bạc bẽo, khổ cực, truân chuyên, đến nỗi khi được chúng tôi hỏi, chú không khỏi nghẹn ngào: “Người ta khổ, khổ một đời con ạ. Nhà chú đã khó, khó đến ba đời. Ông bà nội chú mất sớm. Ba mẹ chú cũng nay đây mai đó, chẳng nơi nương tựa. Đến đời chú cũng vậy con ạ.” Chập chững bám vào cát bụi cuộc đời kiếm miếng cơm manh áo từ năm 8 tuổi, đến tuổi xế chiều, chú Tư vẫn lang bạt như năm nào. Chú ở một căn chòi rộng 2m, dài 5m ở chợ Đầu Mối – nơi mà trước kia là nơi nuôi gà của một gia đình tốt bụng cho chú.

Nhắc đến tấm biển giao bán hàng trên chiếc xe Wave trị giá 900.000 đồng. Chú nức nở không thành tiếng. Em gái chú bị tai biến, vợ chú sức khoẻ yếu ớt chẳng thể đi làm, mấy đứa con của chú, đứa nào cũng khó, đứa nào cũng khổ, miếng cơm manh áo cho mình lo còn chưa xong, huống chi phụ đỡ cha mẹ già. Gánh nặng mưu sinh của cả gia đình dồn hết lên đôi vai của người đàn ông tuổi cao, bệnh tật đầy mình. Chúng tôi cũng nghẹn ngào theo khi nghe chú kể về chiếc đầu không sọ do một chấn thương nặng trước đây, mà chú cũng chẳng dám đi chữa, chỉ dám dán miếng thuốc lên đầu, lỡ nó rớt ra là đầu chú đau như búa bổ. Mấy hôm trước, đói quá, chú xỉu giữa đường. Người ta khiêng chú vào nhà thương, nghe viện phí xong, chú trốn về. “Chú khổ một mình là được, chí ít vợ chú, em gái chú còn có bữa no…”

Chúng tôi mua gửi chú ít quà bánh nhưng chú cất ngay vào một cái túi. Chú không dám ăn, vì ở nhà còn có những người cần hơn. Chợt nhớ đến một kỉ niệm, chú cười, lần đầu tiên chú cười trong suốt thời gian chú trò chuyện với chúng tôi. “Có hôm người ta mua giúp chú, còn hào phóng tặng luôn phần tiền thừa. Hôm đó, chú mua cho cả nhà mấy cái bánh chiên, với ít thịt gà giòn. Đó là lần đầu tiên trong đời, cả nhà chú ăn với nhau một món ngon như thế. Người ta cho tiền chú không lấy, chú mong người ta mua hàng cho mình thôi con ơi. Người ta cho mình ba trăm hay năm trăm, người ta cũng chỉ cho mình được một hôm, còn người ta thỉnh thoảng mua cho mình, mỗi lần mười ngàn nhưng nó bền lâu con ạ, mà nó ấm áp lắm. Nhiều khi đang bán hàng, nước mắt cứ chảy ra. Khóc vì mừng, người ta vẫn còn thương mình, cái tình người ấy quý lắm con ạ.”

Trời đã về khuya, chúng tôi tạm biệt chú Tư. Chú lại tiếp tục cầm micro, một mình hát bên ngã tư đường. Hát cho người ta đỡ lỗ – vì bán mấy cái kẹo mà đến 10 nghìn. Hát để người ta thấy, người ta chú ý đến xe hàng của mình… Trên đường về nhà, chúng tôi cứ ám ảnh mãi câu nói cuối cùng của chú: “Chú chỉ mong sống được từ giờ đến Tết thôi con ạ. Chú sống ngày nào là gia đình chú sống ngày đó con ạ …

Ảnh: My Khả Lý