Được bạn bè giới thiệu, tôi tìm đến nhà thờ Đức Bà, mong được gặp “vua Chuột” – nghệ nhân làm đồ chơi dân gian giữa đất Sài Gòn. Dù lớn lên ở vùng quê, nhưng khi tôi sinh ra thì đồ chơi điện tử cũng bắt đầu thịnh hành. Do vậy mà tôi chưa có dịp được thử chơi những món đồ dân gian giống như con chuột, con rắn đủ sắc của cụ Hạnh bày biện bên vệ đường.
Mới lần đầu gặp mặt, tôi hơi xót xa khi thấy cụ ông có tuổi, lại còn mang bệnh nhưng vẫn phải vất vả bán buôn. Nhưng khi được tiếp xúc với cụ, tôi mới vỡ lẽ rằng cụ không bán vì mưu sinh mà là để giữ gìn tuổi thơ cho trẻ nhỏ. Do vậy mà ngày ngày, cụ vẫn ngồi trên vỉa hè, bán từng con rắn, con chuột cho lũ trẻ mà mỗi ngày một thưa dần. “Mấy đứa nhỏ bây giờ thích đồ chơi điện tử hơn, rồi thêm trò chơi trên mạng nữa… Nhưng chừng nào vẫn có người mua thì mình vẫn cứ bán… Vẫn còn nhiều đứa ngày nào cũng ra đây chơi với ông.”
Cụ Hạnh gắn bó gần 30 năm với nghề làm đồ chơi dân gian, cũng là 30 năm nuôi giữ kỉ niệm đáng nhớ của thời thơ ấu biết bao thế hệ trẻ em Sài Gòn. Nghề đến với cụ như một cái duyên: ““Năm 1990, sức khỏe của ông dần yếu đi, không thể làm ruộng được nữa nên quyết định trở lại Sài Gòn, phụ vợ nấu chè ngô đi bán để nuôi con. Sau đó, ông rong ruổi khắp Sài Gòn để bán bóng bay vì không có vốn liếng gì. Thời đó một quả bóng bay bán với giá 1 – 2 đồng. Rồi ông lại nghĩ, mình là người có tri thức, đi lòng vòng bán bóng bay như thế vừa mất sức lại không phát huy được những gì đã được học. Thế là ông nghỉ bán”. Rồi ông học cách làm đồ chơi thủ công, xong lại tự mày mò, kiến tạo, thêm thắt nhiều điểm độc đáo, cứ thế mà trở thành một sản phẩm được trẻ con thời đó yêu thích, và thậm chí là đến tận bây giờ vẫn có sức hút như vậy.
Không chỉ giỏi làm đồ chơi, “vua Chuột” còn biết làm thơ, biết đọc sử, cụ còn am tường tiếng Anh và tiếng Pháp dù đã hơn chục năm không còn làm văn thư hay thông dịch viên nữa. “Nhà thờ có nhiều khách nước ngoài ghé thăm, người ta hay đến đây xem đồ chơi của ông. Gặp khách nào, ông cũng giới thiệu “Đây là đồ chơi truyền thống của người Việt.” Họ trầm trồ, thích thú chơi thử và mua về làm quà lưu niệm cho người thân và bạn bè.”
Nét đẹp Sài Gòn, văn hóa Sài Gòn vẫn tiếp tục được gìn giữ và lưu truyền bằng nhiều cách. Trong đó có con đường thổi tình yêu dân gian, yêu dân tộc qua đồ chơi của “vua Chuột” Sài Thành.
Ảnh: Công Tuấn